Facebook Twitter Youtube
sieunhanh.com Kinh nghiệm làm việc Bậc lương là gì? Cách tính lương cơ bản theo hệ số lương

Kinh nghiệm làm việc

Bậc lương là gì? Cách tính lương cơ bản theo hệ số lương

12-12-2019

Đối với người lao động thì thường chỉ quan tâm đến số tiền lương nhận được mỗi tháng, còn đối với doanh nghiệp thì việc xây dựng bảng lương, bậc lương, thang lương là cả một quá trình phức tạp. Bởi nó đòi hỏi phải vừa thỏa mãn các quy định của nhà nước vừa phải phù hợp với công sức của người lao động. Cùng Sieunhanh.com tìm hiểu bậc lương là gì nhé

Khái niệm bậc lương là như thế nào?

Bậc lương là số lượng các mức thăng tiến về lương trong mỗi ngạch lương của người lao động, mỗi bậc lương tương ứng với một hệ số lương nhất định.

Số bậc lương phụ thuộc vào các yếu tố sau:

  • Nhu cầu trả lương của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp muốn trả lương để kích thích tinh thần làm việc của nhân viên thì số bậc lương ít, nếu trả lương theo quan điểm quân bình thì số bậc lương nhiều hơn.
  • Sự chênh lệch về mức lương tối thiểu và mức lương tối đa.
  • Yêu cầu về đào tạo, mức độ phức tạp của việc làm, nếu như việc làm kế toán, việc làm văn phòng có tính chất đơn giản thì bậc lương sẽ khác nhau, ngược lại nếu công việc phức tạp thì số bậc sẽ ít hơn.

Nhìn chung, trong mỗi ngạch thường dao động từ 5 – 10 bậc lương, tùy thuộc vào yêu cầu của từng doanh nghiệp mà thời gian và điều kiện xét tăng bậc là khác nhau, một vài công ty xét tăng bậc sau mỗi 6 tháng hoặc 12 tháng 1 lần.

Cách tính lương cơ bản theo hệ số lương đơn giản

Hiện nay cách tính lương cơ bản theo hệ số lương vẫn được nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân áp dụng. Công thức tính được thể hiện như sau:

Mức lương cơ bản = Mức lương cơ sở X Hệ số lương

Trong đó:

  • Mức lương cơ sở được quy định trước đây là 1.300.000 đồng/ tháng, hiện tại theo quy định mới thì từ ngày 01/7/2018 mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức được tăng lên 1.390.000 đồng/ tháng.
  • Hệ số lương là con số thể hiện sự chênh lệch tiền lương theo ngạch, bậc lương, lương tối thiểu. Chủ doanh nghiệp dựa vào hệ số lương để tạo thang bảng lương cho mỗi người lao động, cũng như tính toán bảo hiểm xã hội, tiền tăng ca, nghỉ phép…

Một số hệ số lương cơ bản như sau:

  • Hệ số lương bậc Đại học: 2,34
  • Hệ số lương bậc Cao đẳng: 2,10
  • Hệ số lương bậc Trung cấp: 1,86

Tuy nhiên theo quy định mới, thì mức lương cơ bản bậc 1 thấp nhất phải bằng mức lương tối thiểu vùng đối với lao động làm công việc đơn giản, không ít hơn 7% mức lương tối thiểu vùng đối với lao động qua đào tạo và hưởng thêm 5% nếu lao động qua đào tạo làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm.

Mức lương tối thiểu vùng được quy định như sau:

  • Vùng I: 4.180.000 đồng/ tháng
  • Vùng II: 3.710.000 đồng/ tháng
  • Vùng III: 3.250.000 đồng/ tháng
  • Vùng IV: 2.920.000 đồng/ tháng

Khi xây dựng bảng lương để trả công cho người lao động, doanh nghiệp sẽ quan tâm đến việc thiết lập các bậc lương cũng như khoảng cách giữa các bậc lương sao cho hợp lý để khuyến khích người lao động không ngừng cố gắng, học tập nâng cao trình độ, chuyên môn và nghiệp vụ. Khoảng cách giữa các bậc lương thường ít nhất phải bằng 5%.

Ví dụ: Mức lương bậc 1 là 5.000.000 thì mức lương bậc 2 phải ít nhất là 5.250.000 đồng.

Ngoài ra doanh nghiệp khi xây dựng bảng lương cần lưu ý một số điểm sau:

  • Bảng lương phải bảo đảm bình đẳng, không phân biệt đối xử về giới tính, màu da, sắc tộc, tôn giáo, thành phần xã hội,…
  • Thang lương, bảng lương phải thường xuyên được rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện môi trường lao động, với mặt bằng lương chung và với các quy định hiện hành.
  • Khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương cần phải tham khảo ý kiến của đại diện tập thể người lao động, công bố rộng rãi đến người lao động trước khi thực hiện, cũng như thông báo đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để theo dõi và giám sát.

Với những chia sẻ của Sieunhanh.com về bậc lương và cách tính lương cơ bản, hi vọng các bạn đã hiểu thêm về bậc lương và sẽ không gặp khó khăn trong quá trình tính lương. Chúc các bạn thành công

Facebook Twitter Youtube
back-to-top.png